TRUNG QUỐC CHO PHÉP NGÀNH BẢO HIỂM ĐẦU TƯ HOÁN ĐỔI NỢ

Nguồn: asiainsurancereview.com

 

Trong tuần này Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã ban hành những quy định mới nhằm thúc đẩy tiến trình giảm nợ trong nền kinh tế, trong đó cho phép các quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí và nhà đầu tư cá nhân đủ tiêu chuẩn được đầu tư vào những dự án hoán đổi nợ thành cổ phần[1] từ ngân hàng.

 

 

Các công ty quản lý tài sản (AIC) do một số ngân hàng lớn kiểm soát có thể lập ra các dự án đầu tư trên cơ sở là hoán đổi nợ thành cổ phần, bao gồm trái phiếu chuyển đổi[2], trái phiếu hoán đổi nợ đặc biệt, cổ phiếu phổ thông[3], cổ phiếu ưu đãi[4] và cổ phiếu hoán đổi. AIC gây quỹ cho các kế hoạch đầu tư thông qua hình thức mở bán đặc biệt giới hạn cho khoảng 200 nhà đầu tư đạt chuẩn, bao gồm các quỹ bảo hiểm và quỹ hưu trí. Tiêu chuẩn cho các tổ chức đầu tư là tài sản ròng có giá trị hơn 20 triệu Nhân dân tệ (khoảng 66 tỷ VND) tính vào cuối năm ngoái và đầu tư nhiều hơn 3 triệu Nhân dân tệ (gần 10 tỷ VND) cho một dự án.

Với động thái này, Chính phủ Trung Quốc mong muốn mở rộng nguồn huy động vốn cho các ngân hàng thương mại. Các sản phẩm đầu tư sẽ được quản lý dưới dạng quỹ đóng[5] và nhà đầu tư có thể chuyển nhượng cổ phiếu trong kỳ hạn, giúp tối ưu hóa tính thanh khoản và thu hút nhiều nhà đầu tư ngắn hạn.

Kể từ năm 2016, hoán đổi nợ thành cổ phần là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của Trung Quốc nhằm giảm số lượng doanh nghiệp mắc nợ cũng như giảm rủi ro nợ xấu. Năm 2017, cơ quan quản lý tài chính đã phê duyệt việc thành lập AIC cho năm ngân hàng nhà nước lớn nhất là Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), Ngân hàng công thương Trung Quốc (Industrial and Commercial Bank of China), Ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc (Agricultural Bank of China), Ngân hàng xây dựng Trung Quốc (China Construction Bank) và Ngân hàng Truyền thông (Bank of Communications). Chủ yếu AIC sử dụng vốn của mình hoặc vốn huy động từ bán trái phiếu, cho vay liên ngân hàng hoặc vay từ ngân hàng mẹ để đầu tư vào hoạt động hoán đổi nợ thành vốn cổ phần. Kể từ năm 2018, năm AIC này đã phát hành trái phiếu với tổng giá trị 100 tỷ Nhân dân tệ (gần 30,7 nghìn tỷ VND) cho các giao dịch hoán đổi nợ.

 

——————————————————————-

[1] Hoán đổi nợ thành cổ phần (debt to equity swap): là giao dịch trong đó các nghĩa vụ nợ của một công ty được đổi lấy cho cổ phần của công ty đó. Giá trị của cổ phiếu và trái phiếu được hoán đổi thường được xác định bởi thị trường tại thời điểm hoán đổi. Ví dụ như một ngân hàng đồng ý tiếp nhận các khoản nợ gốc của công ty. Sau đó, ngân hàng sẽ thành lập một đơn vị cùng các cổ đông khác để chia sẻ rủi ro. Đơn vị này sẽ gánh khoản nợ và tiến hành giao dịch với công ty để chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu và sau đó có thể thoái cổ phần này đi.

[2] Trái phiếu chuyển đổi (convertible bond): là loại trái phiếu của công ty cổ phần cho phép trái chủ quyền được chuyển đổi sang cổ phiếu của công ty. Tỉ lệ chuyển đổi và thời hạn chuyển đổi được ấn định ngay từ lúc phát hành trái phiếu và chỉ thay đổi khi công ty phát hành có sự tách hoặc gộp cổ phiếu.

[3] Cổ phiếu phổ thông (ordinary share/ common stock, còn gọi là cổ phiếu thường): là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu của cổ đông đối với công ty và xác nhận cho phép cổ đông được hưởng các quyền lợi thông thường trong công ty. Người nắm giữ cổ phiếu phổ thông là cổ đông phổ thông và là đồng chủ sở hữu của công ty cổ phần.

[4] Cổ phiếu ưu đãi (preferred share/ preferred stock): là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu trong một công ty, đồng thời cho phép người nắm giữ loại cổ phiếu này được hưởng một số quyền lợi ưu tiên hơn so với cổ đông thường. Người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi được gọi là cổ đông ưu đãi của công ty.

[5] Quỹ đầu tư dạng đóng (closed-end fund): là một quỹ đầu tư phát hành ra một số lượng chứng chỉ quỹ nhất định. Các chứng chỉ quỹ được giao dịch trên thị trường giống như những cổ phiếu, quỹ đóng cũng đại diện cho một danh mục đầu tư chứng khoán. Giá thị trường của chứng chỉ quỹ của quỹ đầu tư đóng được xác định bởi cung và cầu chứ không tính theo giá trị tài sản ròng (net asset value).