TRUNG QUỐC CẢI CÁCH QUẢN LÝ KHẢ NĂNG THANH TOÁN BẢO HIỂM

Nguồn: asiainsurancereview.com

 

Theo nhận định từ Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu AM Best, những thay đổi của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) trong việc kiểm soát khả năng thanh toán bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1 tháng 3 năm nay là một động thái tích cực, đặc biệt là giúp củng cố bảng cân đối kế toán[1] và cải thiện quản lý rủi ro doanh nghiệp.

 

 

Trong chuyên mục Bình luận từ Best (Best’s Commentary) mới đây có tiêu đề “Trung Quốc sửa đổi các quy định quản lý khả năng thanh toán để tăng cường vốn hóa ngành bảo hiểm”, AM Best cho rằng, các quy định mới sẽ tạo nền tảng cho việc điều chỉnh cách tính khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm mà cơ quan quản lý sắp ban hành, góp phần phổ biến Hệ thống khả năng thanh toán theo định hướng rủi ro[2] giai đoạn II của Trung Quốc.

Đối tượng thực thi những quy định mới là các tập đoàn bảo hiểm, công ty bảo hiểm nội bộ, công ty tương hỗ và chi nhánh của công ty bảo hiểm nước ngoài. Theo đó, các giám đốc và quản lý cấp cao của công ty bảo hiểm có trách nhiệm giải trình với CBIRC về những hoạt động quản lý vốn của họ. Quy định cũng yêu cầu các công ty lập kế hoạch luân chuyển tài nguyên trong 3 năm, thực hiện kiểm thử sức chịu đựng[3] (stress test), cũng như thường xuyên công bố thông tin về khả năng thanh toán. Những biện pháp này giúp các cơ quan chức năng chủ động và kịp thời giám sát tình trạng khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm.

 

——————————————————————-

[1] Bảng cân đối kế toán (balance sheet): là một báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ tài sản hiện có và nguồn vốn để hình thành các tài sản của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.

[2] Hệ thống khả năng thanh toán theo định hướng rủi ro của Trung Quốc (China Risk Oriented Solvency System – C-ROSS, tiếng Trung là中国风险导向的偿付能力体系 –偿二代): được xây dựng dựa trên khung pháp lý 3 tiêu chuẩn tương tự như Luật Đảm bảo Khả năng Thanh toán Solvency II, nhưng được cấu trúc phù hợp hơn với thị trường bảo hiểm và tài chính Trung Quốc. Hệ thống này lấy các quy định kế toán GAAP của Trung Quốc làm cơ sở cho việc định giá, khiến cho hệ số khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm Trung Quốc ít bị nhạy cảm hơn đối với cá biến động ngắn hạn của thị trường vốn, phản ánh nhiều hơn về thời gian nắm giữ dài hạn các khoản đầu tư của các công ty bảo hiểm. C-ROSS áp dụng các công cụ giám sát điều hành bởi cơ quan quản lý một cách sâu rộng hơn, giúp thúc đẩy và thống nhất quản lý rủi ro trong ngành bảo hiểm Trung Quốc tốt hơn.

[3] Kiểm thử sức chịu đựng (stress test): theo định nghĩa được đưa ra trong nhiều nghiên cứu như Blaschke, Jones, Majnoni và Peria (2001), Cihak (2004) hay Oura và Schumacher (2012), stress test là một phương pháp đo lường độ rủi ro của một danh mục đầu tư, một định chế tài chính, hay toàn bộ hệ thống tài chính trước những sự kiện hay kịch bản bất lợi. Kỹ thuật này ước tính những kết quả có thể xảy ra đối với lợi nhuận, vốn, dòng tiền… của từng định chế tài chính đơn lẻ hoặc của toàn bộ hệ thống khi một số rủi ro nhất định thực sự xảy ra.