TỔN THẤT THIÊN TAI ĐƯỢC BẢO HIỂM TRONG NỬA ĐẦU NĂM 2024

Nguồn: insurancebusinessmag.com

 

Theo ước tính sơ bộ của Học viện Swiss Re, các sự cố từ nhỏ đến trung bình leo thang với tần suất cao do thiên tai đã khiến tổng tổn thất được bảo hiểm toàn cầu cho phân khúc này lên tới 60 tỷ USD (khoảng 1517 nghìn tỷ VND) trong nửa đầu năm 2024.

 

 

Bão giông hay siêu bão (severe convective storms – SCS) với đặc trưng gió mạnh như lốc xoáy, mưa lớn và mưa đá, chiếm 70% trong các tổn thất được bảo hiểm toàn cầu. Thiệt hại từ bão, đặc biệt là các cơn bão nghiêm trọng ở Mỹ, lên đến 42 tỷ USD (khoảng 1062 nghìn tỷ VND) trong nửa đầu năm nay. Trong đó, Mỹ đã hứng chịu 12 cơn bão với thiệt hại từ 1 tỷ USD (khoảng 25,29 nghìn tỷ VND) trở lên ở mỗi lần bão. Theo báo cáo sigma 1/2024 của Swiss Re, các thiệt hại được bảo hiểm từ SCS tại Mỹ đã tăng khoảng 8% hàng năm theo giá trị danh nghĩa kể từ năm 2008.

Ông Balz Grollimund – Trưởng phân khúc rủi ro thiên tai của Swiss Re cho biết, giông bão nghiêm trọng là nguyên nhân chính khiến tổn thất được bảo hiểm tăng mạnh trong những năm gần đây. Xu hướng này cũng được thúc đẩy bởi dân số ngày càng tăng, giá trị tài sản ở các thành thị cao hơn và tình trạng tài sản được bảo hiểm dễ bị hư tổn do mưa đá. Ông dự đoán các sự cố tổn thất hàng tỷ USD do giông bão có thể trở nên phổ biến hơn.

Bên cạnh đó, lũ lụt cũng gây ra tổn thất vượt mức trung bình, chẳng hạn như các sự cố ở UAE, Đức và Brazil, chiếm 14% tổng tổn thất được bảo hiểm toàn cầu. Trong tháng 4, mưa lớn do giông bão dữ dội đã dẫn đến lũ quét ở bán đảo Ả Rập và gây ra thiệt hại chưa từng có ở UAE. Tổn thất được bảo hiểm ước tính có thể lên tới ít nhất 2 tỷ USD (khoảng 50,58 nghìn tỷ VND) và là đợt thiên tai gây tốn kém nhất từng được ghi nhận của UAE. Mức độ nghiêm trọng của những tổn thất này tăng lên do đô thị phát triển nhanh chóng, mục đích sử dụng đất thay đổi, hệ thống thoát nước không đủ và tình trạng đất khô cằn.

Ông Jérôme Jean Haegeli – Chuyên gia Kinh tế trưởng của Swiss Re nhận định, tổn thất được bảo hiểm tăng mạnh là do nhiều yếu tố, trong đó có lạm phát đã đẩy chi phí xây dựng lên cao. Ông cũng cho rằng sự phát triển kinh tế sẽ tiếp tục kéo những rủi ro nói chung leo thang, qua đó nâng cao tầm quan trọng của việc đầu tư vào các biện pháp bảo vệ, như che chắn lũ lụt hoặc nâng cao quy định xây dựng đảm bảo an toàn trước mưa đá.