TẬP ĐOÀN PING AN KÍ NGUYÊN TẮC BẢO HIỂM BỀN VỮNG
Nguồn: asiainsurancereview.com
Tập đoàn Bảo hiểm Ping An là công ty đầu tiên ở Trung Quốc đại lục tham gia Nguyên tắc Bảo hiểm Bền vững (PSI) – một khuôn khổ bền vững toàn cầu của Sáng kiến tài chính do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc đề ra.
PSI được ra mắt vào năm 2012 và đóng vai trò là khuôn khổ thực thi toàn cầu cho ngành bảo hiểm nhằm xác định cơ hội và rủi ro trong các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG). PSI là một phần tiêu chí trong Chỉ số phát triển bền vững Dow Jones[1] và Chỉ số FTSE4Good[2] dành cho ngành bảo hiểm. PSI xác định các giá trị ESG thông qua cách tiếp cận chiến lược là định hướng xanh hóa và bền vững cho các hoạt động trong chuỗi giá trị[3] bảo hiểm, cũng như các tương tác với những bên liên quan. Mục tiêu của nguyên tắc bảo hiểm bền vững là hạn chế rủi ro, triển khai giải pháp sáng tạo, cải thiện hiệu quả kinh doanh và góp phần phát triển bền vững môi trường, xã hội và kinh tế. Tính đến nay đã có hơn 140 tổ chức ký kết PSI, gồm các công ty bảo hiểm chiếm hơn 25% tổng doanh thu bảo hiểm toàn cầu và tổng tài sản quản lý[4] khoảng 14 nghìn tỷ USD (hơn 328 triệu tỷ VND).
Với việc tham gia PSI, tập đoàn Ping An cam kết tích hợp các giá trị ESG trong hoạt động kinh doanh, tiếp tục hoàn thiện Chính sách bảo hiểm bền vững và cải thiện chuỗi giá trị bảo hiểm. Thông qua đó, Ping An sẽ xây dựng hệ thống sản phẩm bảo hiểm bền vững, đáp ứng hiệu quả nhu cầu của khách hàng, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường và xã hội, hướng tới môi trường xanh sạch, xã hội cân bằng và phát triển kinh tế bền vững.
Ông Richard Sheng – Thư ký hội đồng quản trị và Giám đốc thương hiệu của Ping An cho biết: “Các công ty bảo hiểm có biện pháp giảm thiểu rủi ro hiệu quả sẽ mang lại giá trị xã hội to lớn. Là một trong những công ty bảo hiểm và dịch vụ tài chính tích hợp lớn nhất thế giới, Ping An sẽ tích cực triển khai PSI và không ngừng nâng cao hệ thống bảo hiểm bền vững của chúng tôi, hướng các sản phẩm bảo hiểm của Ping An đến sự phát triển bền vững.”
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, tổng doanh thu từ các sản phẩm bảo hiểm bền vững của Ping An đạt 121,21 nghìn tỷ Nhân dân tệ (hơn 400 triệu tỷ VND), với 1.053 sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm bền vững, đứng đầu về chỉ số phát triển bền vững trong ngành bảo hiểm Trung Quốc. Bảo hiểm tài sản và tai nạn Ping An có 518 sản phẩm bảo hiểm bền vững trong 8 danh mục khác nhau, bao gồm các sản phẩm liên quan đến môi trường và sinh thái như bảo hiểm trách nhiệm môi trường, bảo hiểm thiên tai và bảo hiểm động vật hoang dã; các sản phẩm xã hội như bảo hiểm dự án lớn, bảo hiểm an toàn thực phẩm và bảo hiểm sai sót y khoa; cũng như các sản phẩm bảo hiểm dành cho doanh nghiệp quy mô nhỏ, nông dân và các đối tượng điều kiện hạn chế khác.
Với chuyên môn về trí tuệ nhân tạo[5] (AI), công nghệ blockchain[6] và điện toán đám mây[7], Ping An đã đưa ra một số cải tiến công nghệ để giảm rủi ro kinh doanh trong các vấn đề ESG, cải thiện chất lượng và hiệu quả dịch vụ. Hệ thống quản lý rủi ro kỹ thuật số thông minh (DRS) của Bảo hiểm tài sản và tai nạn Ping An giúp sàng lọc nhanh và cảnh báo sớm cho khách hàng để đề phòng, hỗ trợ, giảm tổn thất khi có thiên tai hoặc các rủi ro môi trường khác. Bảo hiểm nhân thọ Ping An áp dụng nhận diện khuôn mặt, đồ thị quyết định[8], hội thảo video, cụm bệnh viện, mô hình toán học cùng các công nghệ khác để tạo điều kiện tương tác trực tuyến giữa nhà thẩm định và các khách hàng.
——————————————————————-
[1] Chỉ số phát triển bền vững Dow Jones (Dow Jones Sustainability Index – DJSI): là hệ thống xếp hạng chỉ số phát triển bền vững độc lập và uy tín nhất hiện nay. DJSI đánh giá chỉ số phát triển bền của các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới dựa trên tính hiệu quả về kinh tế, môi trường và xã hội, bao gồm các chỉ số về tương lai. Các chỉ số này được cập nhật hàng năm, bao gồm các tiêu chí về tính bền vững chung cũng như các tiêu chí bền vững riêng cho mỗi ngành trong 58 lĩnh vực.
[2] Chỉ số FTSE4Good (FTSE4Good index): là chỉ số trách nhiệm đầu tư của tập đoàn FTSE, đứng đầu trên thế giới trong việc cung cấp các chỉ số toàn cầu và phân tích giải pháp đầu tư của sàn tài chính chứng khoán London. FTSE4Good bao gồm các công ty chứng minh được thực hiện tốt về các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.
[3] Chuỗi giá trị (value chain): là dãy các hoạt động làm tăng giá trị tại mỗi bước trong quy trình, cho công ty khả năng tạo ra giá trị vượt chi phí sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ. Chuỗi giá trị được sử dụng đế đánh giá các hoạt động bên trong và xung quanh tổ chức, liên hệ với khả năng của nó để cung cấp giá trị cho đồng tiền, sản phẩm và dịch vụ.
[4] Tổng tài sản quản lí (assets under management – AUM): là tổng giá trị thị trường của các khoản đầu tư mà một tổ chức thay mặt cho khách hàng quản lí. AUM là một khía cạnh để đánh giá một công ty hoặc quĩ đầu tư, và cũng thường được xem xét kết hợp với hiệu suất và kinh nghiệm quản lí.
[5] Trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence): mô phỏng các chức năng nhận thức của con người bằng các hệ thống máy móc, như học tập (thu nhận thông tin và quy tắc sử dụng thông tin), hệ thống lý luận (sử dụng quy tắc để đạt được kết luận gần đúng hoặc xác định) và tự điều chỉnh.
[6] Cơ sở dữ liệu chuỗi khối (blockchain): là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Blockchain còn có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin.
[7] Điện toán đám mây (cloud computing): là mô hình điện toán máy chủ ảo, cung cấp tài nguyên công nghệ thông tin thông qua internet, ví dụ như phần mềm, phần cứng, hạ tầng mạng cho đến các máy chủ và mạng lưới máy chủ cỡ lớn. Một vài ứng dụng điện toán đám mây thông dụng là Dropbox, OneDrive hay Google Drive.
[8] Đồ thị quyết định (decision tree, còn gọi là cây quyết định): là một phương tiện hỗ trợ cho việc ra quyết định trong điều kiện bất định. Nó chỉ ra nhiều đường lối hàng động khác nhau và hậu quả kinh tế của mỗi đường lối. Thông thường, mỗi đường lối hành động được gắn với một xác suất chủ quan về khả năng phát sinh các sự kiện trong tương lai.