BẢO HIỂM HÀNG KHÔNG VŨ TRỤ SẼ BỨT PHÁ TRONG VÀI NĂM TỚI

Nguồn: insurancebusinessmag.com

 

Theo một báo cáo mới đây từ Nhà tư vấn và nghiên cứu công nghệ Technavio, thị trường bảo hiểm hàng không vũ trụ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 763,67 triệu USD (khoảng 18,9 nghìn tỷ VND) trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2027, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm[1] (CAGR) dự kiến là 4,36%.

 

 

Thị trường bảo hiểm hàng không vũ trụ có thể phân loại theo đối tượng sử dụng cuối cùng như nhà cung cấp dịch vụ, nhà điều hành sân bay…; theo loại hình như bảo hiểm trên chuyến bay, bảo hiểm trách nhiệm công cộng, bảo hiểm trách nhiệm hành khách…; hoặc theo khu vực như Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông – Châu Phi, Nam Mỹ. Thị trường cũng có tính phân mảnh và tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Các công ty chủ chốt trên thị trường bảo hiểm hàng không vũ trụ có thể kể đến như Ace Aviation, Allianz SE, American Financial Group, AIG, Aon, Arthur J. Gallagher and Co., Đại lý bảo hiểm Avion, AXA, Berkshire Hathaway, Đại lý bảo hiểm hàng không BWI, Chubb, Global Aerospace Underwriting Managers, Dịch vụ tài chính Hallmark, Bảo hiểm hàng không London, Marsh & McLennan, Nhà tái bảo hiểm Munich, Starr International, Tokio Marine, Wells Fargo and Co., và WTW.

Động lực chính cho sự tăng trưởng của bảo hiểm hàng không là các sân bay, nhà ga liên tục được mở rộng và xây mới, do lưu lượng hành khách hàng không đang tăng đột biến. Các khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông – Châu Phi đặc biệt tập trung vào việc xây dựng sân bay mới nhằm giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông và đáp ứng số lượng hành khách ngày càng tăng.

Một xu hướng đáng chú ý trên thị trường bảo hiểm hàng không vũ trụ là sự phát triển của các dịch vụ phi hàng không. Nhiều hãng hàng không thương mại phải ứng phó với những khó khăn về tăng cường kiểm tra an ninh, thường xuyên hủy chuyến, chậm trễ và hạn chế về đường bay, đặc biệt là ở trung tâm giao thông lớn.

Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm hàng không cũng phải đối mặt với thách thức lớn đến từ nhận thức hạn chế và dịch vụ bị trì hoãn. Các công ty bảo hiểm thường cung cấp bảo hiểm từ trung đến dài hạn, nhưng xử lý yêu cầu bồi thường mất khá nhiều thời gian, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến nhiều tiện ích ngoài nước, gây mất niềm tin vào các sản phẩm bảo hiểm lữ hành. Tình trạng xói mòn niềm tin này dẫn đến nhu cầu đầu tư vào dịch vụ bảo hiểm lữ hành của các nhà điều hành và hành khách hàng không bị sụt giảm.

 

——————————————————————-

[1] Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (Compound Annual Growth Rate – CAGR): là thước đo tỷ lệ tăng trưởng hàng năm theo thời gian, thường được sử dụng để đo lường và so sánh hiệu suất trong quá khứ, đồng thời dự đoán lợi nhuận dự kiến trong tương lai. Chỉ số CAGR càng cao thì giá trị lợi nhuận càng tốt.