LẠM PHÁT Ở MỸ XUỐNG MỨC THẤP NHẤT TRONG 2 NĂM QUA
Nguồn: weforum.org
Trong tháng 3, tình hình lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt xuống thấp nhất trong gần 2 năm qua khi mức tăng giá hàng năm là 5%. Lần cuối cùng ghi nhận mức thấp này là vào tháng 5 năm 2021.
So với tháng 2, giá tăng 0,1% do điều chỉnh theo mùa – ít hơn mức tăng hàng tháng được ghi nhận vào tháng 1 và tháng 2. Giá lương thực nói chung không thay đổi so với tháng trước, giá thực phẩm tại nhà giảm 0,3%, giá năng lượng giảm 3,5% trong cùng kỳ (và giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Tuy nhiên, chi phí nhà tăng 0,6% kể từ tháng 2 và cao hơn 8% so với thời điểm này năm ngoái.
Chi phí nhà tăng góp phần khiến cho Chỉ số giá tiêu dùng lõi (core CPI – không bao gồm thực phẩm và năng lượng) cao hơn chỉ số của tất cả mặt hàng. Thực phẩm và năng lượng được xem là những mặt hàng dễ biến động hơn trong CPI, tăng giá nhanh nhất khi lạm phát leo thang vào cuối năm 2021 và hiện cũng hạ nhiệt nhanh hơn, đặc biệt là năng lượng.
Khi lạm phát bắt đầu leo thang vào giai đoạn xuân/ đầu hạ năm 2021, hiệu ứng cơ sở[1] là nguyên nhân chủ yếu gây đảo ngược hiệu ứng hạ nhiệt của đại dịch đối với giá tiêu dùng của 1 năm trước. Khi dịch bệnh vừa bắt đầu, giá hàng hóa giảm mạnh do mức chi tiêu và nhu cầu nhiên liệu giảm đột ngột, sau đó vào giai đoạn hạ thu mới dần tăng trở lại quỹ đạo trước dịch. Do giá tiêu dùng ban đầu giảm, mức so sánh tăng/ giảm theo năm đã bị phóng đại trong một khoảng thời gian cho đến cuối năm 2021.
Kể từ tháng này, lần đầu tiên con số tăng/ giảm theo năm sẽ được so sánh bằng mức lạm phát sau khi có chiến tranh, nghĩa là từ bây giờ trở đi tỷ lệ lạm phát có thể sẽ thấp hơn do được so với mức giá tăng đột biến sau khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine.
Từ cuộc họp báo của ông Jerome Powell – Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng trước, nhiều người cho rằng chu kỳ thắt chặt của Ngân hàng trung ương có thể sớm kết thúc. Với diễn biến hiện tại, dự kiến sẽ có ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa vào tháng tới. “Hành trình đưa mức lạm phát trở lại mức 2% sẽ còn dài và nhiều khó khăn.”
——————————————————————-
[1] Hiệu ứng cơ sở (base effect): là sự biến đổi bất ngờ của số liệu lạm phát hàng tháng, xảy ra do mức lạm phát cao hoặc thấp bất thường của tháng trước. Hiệu ứng cơ sở có thể gây khó khăn cho việc đánh giá chính xác mức lạm phát theo thời gian. Hiệu ứng cơ sở giảm dần theo thời gian nếu mức lạm phát tương đối ổn định.