TRUNG QUỐC THẮT CHẶT KHẢ NĂNG THANH TOÁN BẢO HIỂM
Nguồn: asiainsurancereview.com
Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa đề xuất kiểm soát khả năng thanh toán chặt chẽ hơn đối với các công ty bảo hiểm.
Khung giám sát khả năng thanh toán bao gồm ba tham số: các yêu cầu về vốn (định lượng), các yêu cầu về tuân thủ quy chế (định tính) và cơ chế kiểm soát thị trường. Khung giám sát này cho phép phân loại các công ty bảo hiểm chính xác hơn dựa trên chất lượng vốn và khả năng quản lý rủi ro.
Dự thảo cũng mở rộng các chỉ tiêu hệ số thanh toán tự có[1], hệ số thanh toán tổng hợp[2] và đánh giá rủi ro tổng hợp để cải thiện việc giám sát và đánh giá khả năng quản lý thanh toán của các công ty bảo hiểm.
Theo nhận định của bà Qian Zhu – Phó Chủ tịch Trung tâm Tài chính thuộc Hãng dịch vụ tư vấn đầu tư Moody’s, quy định kiểm soát khả năng thanh toán chặt chẽ hơn sẽ giúp ngành bảo hiểm Trung Quốc có tín dụng tích cực. “Theo quan điểm của chúng tôi, đây là một phương thức toàn diện hơn, năng động hơn, và phù hợp với tinh thần của Hệ thống khả năng thanh toán theo định hướng rủi ro của Trung Quốc[3] (C-ROSS).
——————————————————————-
[1][2] Hệ số thanh toán nợ (Solvency ratios): là chỉ số tài chính để đo lường khả năng của một công ty trả các khoản nợ, đối với các công ty bảo hiểm là khả năng chi trả các yêu cầu bồi thường. Hệ số thanh toán nợ tính bằng tổng số thu nhập sau thuế của công ty, bao gồm cả các chi phí phi tiền mặt được giảm trừ, so với tổng nợ phải trả của công ty. Hệ số khả năng thanh toán của mỗi ngành khác nhau, thông thường hệ số này cao hơn 20% được xem là tốt.
Hệ số thanh toán tự có được tính bằng cách lấy vốn tự có chia cho vốn tối thiểu.
Hệ số thanh toán tổng hợp được tính bằng cách lấy tổng của vốn tự có và vốn bổ sung, chia cho vốn tối thiểu.
[3] Hệ thống khả năng thanh toán theo định hướng rủi ro của Trung Quốc (China Risk Oriented Solvency System – C-ROSS, tiếng Trung là中国风险导向的偿付能力体系 –偿二代): được xây dựng dựa trên khung pháp lý 3 tiêu chuẩn tương tự như Luật Đảm bảo Khả năng Thanh toán Solvency II, nhưng được cấu trúc phù hợp hơn với thị trường bảo hiểm và tài chính Trung Quốc. Hệ thống này lấy các quy định kế toán GAAP của Trung Quốc làm cơ sở cho việc định giá, khiến cho hệ số khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm Trung Quốc ít bị nhạy cảm hơn đối với cá biến động ngắn hạn của thị trường vốn, phản ánh nhiều hơn về thời gian nắm giữ dài hạn các khoản đầu tư của các công ty bảo hiểm. C-ROSS áp dụng các công cụ giám sát điều hành bởi cơ quan quản lý một cách sâu rộng hơn, giúp thúc đẩy và thống nhất quản lý rủi ro trong ngành bảo hiểm Trung Quốc tốt hơn. Tuy nhiên, cách tiếp cận của C-ROSS về tiêu chuẩn công bố thông tin và chi phí nguồn vốn cũng dẫn đến các yêu cầu về vốn thấp hơn đối với các rủi ro về vốn chủ sở hữu và rủi ro tín dụng.